Ngành Kỹ thuật xây dựng đạt 5 sao UPM
Ngày đăng: 10/10/2022 13:58 | Xem: 399
Sáng nay 18/1/2022, hệ thống đánh giá UPM (University Performance Metrics) đã công bố kết quả xếp sao chương trình đào tạo của các trường đại học. Trong đó trường Đại học Thủ Dầu Một có ngành Kỹ thuật xây dựng đạt 5 sao, hai ngành Quản trị kinh doanh và ngành Quản lý tài nguyên môi trường đạt 4 sao +.
Mỗi năm một lần, UPM sẽ công bố kết quả đánh giá các chương trình đào tạo và đánh giá cơ sở giáo dục đại học đã đăng ký. Năm 2020, trong lần đầu tiên triển khai hệ thống đánh giá này, trường Đại học Thủ Dầu Một đã đạt 4 sao UPM cấp cơ sở giáo dục, chuẩn sao đạt được cao nhất của nhóm trường đại học định hướng ứng dụng. Và trong năm 2021, trường đăng ký đánh giá 3 ngành. Kết quả được công bố sáng nay, ngành Kỹ thuật xây dựng đạt chuẩn 5 sao, hai ngành Quản trị kinh doanh và ngành Quản lý tài nguyên môi trường đạt chuẩn 4 sao +.
UPM là hệ thống xếp hạng đại học do các chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Bảng xếp hạng gắn sao UPM đánh giá dựa trên 52 tiêu chí theo 8 nhóm lĩnh vực, gồm: Quản trị chiến lược, Giáo dục, Nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo, Hệ sinh thái đại học, Chuyển đổi số, Quốc tế hóa, Phục vụ cộng đồng. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng điểm là 1000 điểm. Từng tiêu chí ở mỗi lĩnh vực đều được đối sánh với mốc chuẩn và gắn sao. Do vậy, UPM vừa giúp nhận diện tổng thể, vừa có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng hoạt động, từng lĩnh vực thuộc cơ sở giáo dục đại học. Từ đó, hệ thống có thể cung cấp cho các trường một bộ chỉ số cơ bản, làm công cụ quản trị chiến lược và hỗ trợ kiểm định chất lượng.
Được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 8/2020, đến nay ngoài các trường đại học tại Việt Nam còn có hơn 50 trường đại học khu vực Châu Á tham gia vào hệ thống xếp sao UPM. Phát biểu tại hội thảo “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học” vào tháng 8/2020, TS Choltis Dhirathiti - Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á – AUN tin rằng hệ thống tiêu chuẩn và các chỉ báo của UPM sẽ được sử dụng như một công cụ không những giúp các trường đại học tự đối sánh và điều chỉnh chất lượng, mà còn là một trong những cơ sở giúp AUN củng cố và mở rộng mạng lưới. Ông chúc mừng Việt Nam đã bước đầu vượt qua biên giới quốc gia để đóng góp cho việc phát triển hệ thống giáo dục đại học ở khu vực, thông qua hệ thống UPM.
BBT