Đó là tên hội thảo khoa học do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức vào ngày 25/7/2020, thu hút sự tham gia của nhiều kiến trúc sư, kỹ sư, các nhà nghiên cứu, giảng viên thuộc khối ngành kiến trúc, xây dựng và quy hoạch.
Tiếp nối những thành công của hội thảo lần 1 được tổ chức năm 2018, hội thảo “Kiến trúc và xây dựng hướng đến phát triển bền vững” lần II đã trở thành hoạt động học thuật giàu ý nghĩa và đáng tin cậy. Qua hội thảo, các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà nghiên cứu, giảng viên thuộc khối ngành kiến trúc, xây dựng và quy hoạch đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới, những xu hướng trương lai trong kiến trúc và xây dựng hướng đến phát triển bền vững.
Hội thảo quy tụ 38 bài tham luận chất lượng của nhiều học giả là nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên, học viên đến từ các trường đại học, học viện, cao đẳng, và các công ty hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng như: Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Công ty Chip EngSeng Contractors (Singapore), Công ty TNHH Xây dựng Khải Minh… Nội dung các bài tham luận đã tập trung làm rõ những vấn đề thuộc chủ đề hội thảo như: công nghệ xanh, các giải pháp thiết kế ứng dụng trong thiết kế và thi công các công trình đô thị, nhà ở hướng tới phát triển bền vững, giải pháp tiết kiệm năng lượng cho công trình kiến trúc,…
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Trọng Quyền - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một - đánh giá cao quá trình tiếp nối thành quả của hội thảo lần 1. PGS tin tưởng rằng, hội thảo sẽ là dịp để các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên tập trung thảo luận các nội dung thiết thực, cụ thể nhằm hướng đến phát triển bền vững ngành Kiến trúc – Xây dựng Việt Nam. Đồng thời, chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới, các giải pháp thông minh trong thiết kế kiến trúc – xây dựng cho quá trình phát triển bền vững của địa phương, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh.
Tạo điều kiện cho các đại biểu trao đổi chuyên sâu, Ban Tổ chức đã bố trí 3 tiểu ban, cụ thể:
Khai thác nội dung “Kiến trúc - Quy hoạch – Mỹ thuật”, Tiểu ban 1 đã trao đổi về hiện trạng, thách thức trong phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam; kinh nghiệm và bài học về các giải pháp thiết kế, quy hoạch đô thị thông minh của một số quốc gia khu vực châu Á và bài học thực tiễn cho các đô thị ở Việt Nam. Một số tham luận cũng đã bàn thảo về yếu tố thẩm mỹ kiến trúc cảnh quan tại các địa phương trong nước và nước ngoài; kiến tạo không gian sinh hoạt cộng đồng bền vững trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam. Tiếp nối chủ đề thảo luận, các tác giả tham luận cũng đề xuất các giải pháp xanh cho kiến trúc nhà ở bền vững; các giải pháp bảo tồn công trình kiến trúc, chia sẻ các xu hướng kiến trúc thế giới và cách thức ứng dụng xu hướng mới trong thiết kế kiến trúc tại Việt Nam; ứng dụng mô hình thông tin công trình trong thiết kế kiến trúc hiện nay.,…
Tiểu ban 2 - “Kỹ thuật xây dựng” và Tiểu ban 3 - “Cơ học tính toán” đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp móng cho công trình xây dựng cao tầng, nhà ở dân dụng tại Việt Nam; phương pháp xử lý đất nền theo tiêu chuẩn thiết kế móng cọc của Việt Nam (TCVN 1034:2014); giải pháp đóng cừ tràm và đóng cọc CDM trên đất nền yếu có chiều dày lớn cho các công trình nhà dân dụng tầng thấp; giải pháp thiết kế hạn chế sự hư hỏng của mặt đường bê tông nhựa bằng phương pháp phân tích xử lý đàn hồi – nhớt của kết cấu áo đường mềm chịu tác dụng của tải trọng di động; giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế thi công bằng cách kết hợp nhiều loại ván khuôn cho công trình xây dựng dân dụng,… Các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận và chỉ rõ những cơ hội, thách thức trong phát triển các công trình kiến trúc xanh, tiếp cận và đề xuất những giải pháp cụ thể trong thiết kế và thi công các công trình hướng đến phát triển bền vững.
Qua diễn đàn hội thảo, 18 tham luận trình bày trực tiếp, cùng các ý kiến trao đổi tại 03 tiểu ban chuyên môn, các học giả không chỉ tập trung làm rõ các nhóm nội dung trọng tâm thuộc chủ đề hội thảo, mà còn đề xuất nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm kiến tạo xây dựng các công trình kiến trúc xanh; các giải pháp tính toán chính xác cho thiết kế kết cấu tối ưu, giúp tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu và bền vững cho công trình.
PGS.TS Hoàng Trọng Quyền - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một - đánh giá cao quá trình tiếp nối công tác tổ chức hội thảo
TS. Nguyễn Đình Hiếu - Trưởng khoa Kiến trúc - Xây dựng phát biểu báo cáo đề dẫn tại hội thảo
18 tham luận trình bày trực tiếp, cùng các ý kiến trao đổi tại 03 tiểu ban chuyên môn, các học giả không chỉ tập trung làm rõ các nhóm nội dung trọng tâm thuộc chủ đề hội thảo, mà còn đề xuất nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm kiến tạo xây dựng các công trình kiến trúc xanh