KHOA KIẾN TRÚC- TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT

Thủ tướng muốn Việt Nam trở thành công xưởng đồ gỗ của thế giới

Ngày đăng: 02/07/2020 10:12 | Xem: 829

Thủ tướng muốn Việt Nam trở thành công xưởng đồ gỗ của thế giới

Chia sẻ
 
 

Dân trí "Tôi mong diễn đàn dành thời gian thảo luận vấn đề này, làm thế nào để đưa Việt Nam trở thành một công xưởng sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới. Đây là một câu hỏi rất lớn, chứ không thể chỉ xuất khẩu được trên dưới 10 tỷ USD là chúng ta đã thỏa mãn rồi” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Sáng ngày 22/2/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônNN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì Diễn đàn: “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019”. 

Thủ tướng muốn Việt Nam trở thành công xưởng đồ gỗ của thế giới - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới, ngành Lâm nghiệp đã chủ động chuyển dần từ nền lâm nghiệp nhà nước dựa trên chế độ công hữu tài nguyên rừng, lấy khai thác lâm sản từ rừng tự nhiên là nguồn thu chính sang nền lâm nghiệp xã hội với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Từ hiệu quả của chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến nay, gỗ rừng trồng trong nước đã đáp ứng trên 80% nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, giảm mạnh tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2018, sản lượng gỗ khai thác nội địa đạt 27 triệu m3, tăng 6% so với năm 2018. Khối lượng gỗ nhập khẩu chỉ khoảng 8 triệu m3 gỗ quy tròn, không tăng trong thập kỷ qua.

Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đã từng bước được nâng lên, liên kết chuỗi từ công tác chọn tạo giống, trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng để trồng gỗ lớn khoảng 290 nghìn ha. Thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng được trên 220 ngàn ha rừng.

Cùng với đó, năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017.

Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.

Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, không chỉ mang lại sinh kế cho trên 20 triệu người dân mà còn khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá mức tăng trưởng của ngành lâm nghiệp thời gian hơn 10 năm qua là một kết quả rất đáng biểu dương, thể hiện thành quả của sự cố gắng nỗ lực không ngừng, tinh thần làm việc say mê sáng tạo của cộng đồng các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.

Tại diễn  đàn, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc gợi mở một số vấn đề như cần phải nhận diện về tiềm năng, lợi thế của ngành để phát huy và tận dụng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững đạt hiệu quả.

Trước hết, về cơ chế chính sách, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực triển khai hướng giả pháp để nâng cao các thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển…

“Chúng ta có 4.500 doanh nghiệp và nhiều xưởng mộc truyền thống, nhưng chưa có đơn vị nào hoàn thiện được khâu chuỗi giá trị có quy mô lớn.  Kinh tế hộ, hợp tác xã rất quan trọng, nhưng phải cần có quy mô tầm cỡ để cạnh tranh lớn với quốc tế, vấn đề này cần phải nghiên cứu thực hiện” – Thủ tướng lưu ý.

Một vấn đề nữa được Thủ tướng gợi mở, đó là cần phải tiếp tục củng cố vùng nguyên liệu, làm sao để có vùng nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng để phục vụ sản xuất để liên tục xuất siêu ở mức cao. Đây là bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia có sự đóng  góp của ngành lâm sản.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, sản phẩm gỗ của chúng ta đã vào được các thị trường như Nhật Bản và một số nước, nhưng với những thị trường khó tính sản phẩm gỗ của chúng ta vẫn chưa vào được.

Thủ tướng muốn Việt Nam trở thành công xưởng đồ gỗ của thế giới - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Thủ tướng muốn Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới

“Vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, tôi đề nghị các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản cần nâng cấp, ứng dụng mới khoa học công nghệ cao, cần đổi mới thiết bị sản xuất để thiết kế mẫu mã, mỹ thuật và tận dụng tối đa nguyên liệu để làm ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Chúng ta hiện nay công nghệ, đặc biệt thiết bị còn đơn giản. Các viện, các trường, các xưởng cơ khí chúng ta nên tự động hóa, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 trong sản xuất đồ gỗ xuất khẩu”  - Thủ tướng nhấn mạnh tiếp một vấn đề tại diễn đàn.

Để giải quyết những vấn đề trên, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự diễn đàn cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản để cùng thảo luận và khắc phục, đó là: Nhà nước đã có cơ chế, đầu tư xứng đáng với tiềm năng lợi thế của ngành chưa, nhất là hạ tầng lâm sinh; Chính sách tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến để làm sao tạo điều kiện để người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu; Vấn đề công nghệ trồng rừng, chế biến và năng lực quản trị doanh nghiệp của chúng ta còn rất nhiều hạn chế, thậm chí còn ở quy mô nhỏ, lạc hậu, trình độ quản lý chưa cao và hiệu quả còn thấp.

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và cả thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức, chúng ta có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu thì còn phải thông qua đối tác nước ngoài nên hiệu quả giá trị được nhận còn thấp. Chúng ta còn trăn trở, khi nhiều sản phẩm hoàn toàn có thể sản xuất được, đáp ứng được mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu nên khó cạnh tranh ngay cả thị trường trong nước.

Đặc biệt một số lâm sản kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, quế,  hồi,…và nhiều sản phẩm dưới rừng chưa phát huy, chúng ta xuất khẩu được ít vì chưa xây dựng được thương hiệu với thị trường nước ngoài và khâu chế biến chưa tốt; Việc thực thi pháp luật để bảo vệ và phát triển rừng, lâm sản còn nhiều bất cập,  nhất là có những điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép. Việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp còn chậm, nhiều vướng mắc, tranh chấp đất rừng  còn gay gắt, chưa được xử lý dứt điểm.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị, về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản năm 2019 là 11 tỷ USD, Thủ tướng cho là quá thấp. “Các đồng chí phải có giải pháp để vượt mức con số này, đóng góp vào sản phẩm xuất khẩu lâm nghiệp của Việt Nam”.

“Tôi mong diễn đàn dành thời gian thảo luận vấn đề này, làm thế nào để đưa Việt Nam trở thành một công xưởng sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới. Đây là một câu hỏi rất lớn chứ không phải nhỏ lẻ, đơn điệu, vì không thể chỉ xuất khẩu được trên dưới 10 tỷ USD là chúng ta đã thỏa mãn rồi” - Thủ tướng nói.

Nguyễn Dương