Quang cảnh Hội thảo.
Hội thảo thu hút sự tham dự của 200 đại biểu đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhiều nhà khoa học, các cơ quan khoa học và giáo dục danh tiếng trong và ngoài nước.
Hội thảo nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về vấn đề nguồn nhân lực của các quốc gia trong khu vực châu Á và trên thế giới. Kết nối các học giả, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương hướng đến một nhận thức chung về vấn đề nguồn nhân lực trong bối cảnh công nghiệp 4.0, từ đó xây dựng những giải pháp hữu hiệu với sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan. Xây dựng hệ sinh thái tri thức với sự phối hợp giữa các bên liên quan để từng bước hiện thực hóa tầm nhìn cho sự phát triển nguồn nhân lực của vùng TP HCM.
Với 18 báo cáo khoa học được trình bày tại các tiểu ban cùng nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, các nhà khoa học đã tập trung bàn thảo đa chiều về những vấn đề quan trọng, mang tính cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là vùng TP HCM trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Vùng TP HCM nằm trong quy hoạch được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam 23/4/2008, với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050. Phạm vi vùng TP HCM có tổng diện tích 30.404 km², bán kính ảnh hưởng từ 150–200 km. Đến năm 2030, dân số vùng đô thị này dự kiến từ 24 - 25 triệu người, dân số đô thị khoảng 18 - 19 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 75%. Tầm nhìn đến năm 2050, vùng đô thị này sẽ có 28 - 30 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 25 - 27 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%.
Trong mục tiêu phát triển, vùng TP HCM sẽ trở thành vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trung tâm thương mại – tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học – dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao, trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực trong vùng TP HCM nói riêng chưa bắt kịp với sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có khoảng 86% lao động trong ngành dệt may và giày dép có nguy cơ bị mất việc làm. Đặc biệt, lao động trong các ngành nghề truyền thống và lao động thủ công là lực lượng lao động có nguy cơ gánh chịu nhiều rủi ro nhất khi bị thay thế bởi những hệ thống máy móc tự động hóa.
Từ thực tế trên, các đại biều cho rằng, việc học tập kinh nghiệm của thế giới nói chung, các nước trong khu vực châu Á nói riêng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề rất quan trọng; qua đó, gợi ý mô hình và giải pháp phù hợp trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ở Nam bộ, hướng tới phát triển bền vững vùng TP HCM.
Nguồn: http://daidoanket.vn